Việt Nam có đến 18.000 du học sinh tại các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ (CC) chỉ trong 2016, cao thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng hiểu về quyết định của chính mình.
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với ông David Turnbull, Phó trưởng bộ phận Văn hóa thông tin của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM để giúp học sinh có thông tin đầy đủ và chuẩn bị kỹ càng hơn nếu chọn CC, tránh tình trạng không thể liên thông lên đại học như nhiều trường hợp đã xảy ra.
* Theo ông, vì sao tỷ lệ sinh viên Việt Nam chọn CC lại cao đến thế?
Ông David Turnbull: Học phí rẻ của CC là một ưu thế vượt trội. Trung bình một năm học tại CC chỉ có mức học phí tầm 5.000 - 7.000 USD trong khi con số này ở đại học trung bình là 19.000 USD. Việc liên thông từ CC lên đại học rất thuận lợi, hầu hết các trường đại học đều chấp nhận các tín chỉ của CC nên nhiều sinh viên chọn cách học 2 năm đầu của CC rồi liên thông lên 2 năm cuối ở đại học, thay vì tốn học phí cho cả 4 năm đại học. Tiêu chuẩn đầu vào của CC cũng mở hơn, chẳng hạn không yêu cầu điểm TOTEL hay IELTS, vậy là đã giải quyết thêm một thách thức rất lớn của nhiều sinh viên Việt Nam. Những sinh viên không đủ trình độ tiếng Anh sẽ được xếp vào các lớp học tiếng Anh tăng cường trước khi nhập học.
Quy mô lớp học nhỏ là một thuận lợi khác. Thông thường các lớp học ở CC có chừng 25-40 học viên trong khi các lớp chung ở giảng đường đại học có thể lên đến 100-200, thậm chí 400 học viên. Thông thường, ở độ tuổi 16, 17, nhiều học sinh chưa thể quyết định đại học nào là thích hợp nhất với mình nên 2 năm ở CC là một bước đệm tuyệt vời để làm quen với văn hóa, với hệ thống giáo dục Mỹ trước khi đưa ra quyết định chọn trường đại học.
* Thời điểm nhập học của CC có khác gì so với đại học không, thưa ông?
Ông David Turnbull: Đây là một ưu điểm khác của CC. Học viên có thể nộp hồ sơ nhập học quanh năm và có thể được hồi đáp trong vòng 2 tuần, thay vì thời điểm nhập học cố định như ở bậc đại học.
* Đa phần du học sinh Việt Nam học CC với mục tiêu liên thông đại học, tuy nhiên thực tế là nhiều du học sinh không thể vào được trường đại học mình mong muốn sau 2 năm ở CC. Xin ông cho lời khuyên về vấn đề này.
Ông David Turnbull: Nếu bạn đã xác định được bạn thích học ngành gì, ở trường đại học nào sau này thì chỉ việc kiểm tra xem trường đại học bạn chọn liên thông với những CC nào. Nếu đại học nằm ngoài danh sách liên thông của CC, bạn phải liên lạc với trường đại học xem họ có chấp nhận các tín chỉ ở CC của bạn không, chấp nhận bao nhiêu tín chỉ và có thể bạn sẽ phải học bổ sung nhiều tín chỉ đại học yêu cầu.
Việc liên thông, nếu cùng ngành học bao giờ cũng thuận tiện hơn. Chính vì thế, cho dù chưa chọn được tên trường đại học nhưng hãy cố trả lời 3 câu hỏi sau khi chọn CC và ngành học: bạn mong muốn sau này làm việc trong lĩnh vực nào, bạn thích ngành học gì và sở trường của bạn là gì. Ngoài ra, thông thường các trường trong cùng một bang sẽ ưu tiên chấp nhận nhau nhiều hơn.
* Có sự khác biệt nào về mặt bằng cấp giữa người học hệ đại học 4 năm và CC 2 năm rồi liên thông lên đại học 2 năm cuối không, thưa ông?
Ông David Turnbull: Không có một khác biệt nào hết. Một khi trường đại học đã chấp nhận tín chỉ của một CC nào đó thì bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp chỉ chứng nhận là tốt nghiệp ở trường đại học đó mà thôi, không có một ghi chú nào về nguồn gốc học các năm của từng học viên.
* Chương trình giáo dục ở các trường cao đẳng thường bị công chúng đánh giá thấp hơn các trường đại học, ý kiến ông thế nào?
Ông David Turnbull: Cách giáo dục ở CC và đại học hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn trong khi CC có thể chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế để một người sau 2 năm có thể đi làm thì đại học nhấn mạnh trang bị cho học viên cách học hỏi, trang bị kỹ năng tư duy phản biện, cách làm việc sau này... Sự lựa chọn trường nào là tùy vào hoàn cảnh, mong muốn, khả năng tài chính... thích hợp với từng học viên. Thực sự không thể nói chương trình nào tốt hơn chương trình nào một cách chung chung, có những CC rất tốt, cũng có những trường đại học không tốt và ngược lại. Chỉ có thể nói là thông thường CC có ít ngành học hơn so với đại học.
Các chương trình học bổng, trao đổi của chính phủ Mỹ dành cho công dân Việt Nam. Thời điểm nhận hồ sơ được ghi dưới đây chỉ để tham khảo, có thể thay đổi theo từng năm. Thời điểm chính xác được đăng tải trên trang web của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khi thông báo từng chương trình: SEAYLP: dành cho học sinh lớp 10 và 11 của ASEAN sang Mỹ 3 tuần, chú trọng khả năng lãnh đạo, trách nhiệm dân sự, tình nguyện và tôn trọng sự đa dạng. Thời điểm nhận hồ sơ hàng năm: ước tính tháng 11-12 Global UGRAD: dành cho sinh viên 3 năm đầu đại học, được học 1 học kỳ ở một trường đại học Mỹ, được tham gia các hoạt động cộng đồng, hội thảo phát triển nghề nghiệp và các hoạt động văn hóa. Thời điểm nhận hồ sơ: cuối tháng 10 - tháng 1 năm sau. Hubert H. Humphrey: dành cho những người đã đi làm để tham gia chương trình nghiên cứu và học thuật của một trường đại học Mỹ trong 10 tháng. Thời điểm: Tháng 7-8 SUSI: dành cho học giả hoặc giáo viên, tìm hiểu sâu về xã hội, văn hóa Mỹ, đào sâu kỹ năng giảng dạy... trong 6 tuần. Cuối năm - đầu tháng 1 năm sau. TEA: dành cho giáo viên tiếng Anh các trường trung học quốc tế nhằm tăng cường kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và kiến thức về nước Mỹ. Nhiều đợt/năm. E Teacher: Khóa học online 10 tuần cho giáo viên tiếng Anh do Đại học Oregon và Đai học Maryland giảng dạy. Nhiều đợt/năm. YSEALI: dành cho thanh niên từ 18-35 tuổi nhằm kết nối các lãnh đạo trẻ ASEAN quan tâm đến các lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giáo dục và dân sự. Được huấn luyện các công cụ lãnh đạo. Một số sang Mỹ để đào sâu kiến thức về các vấn đề khu vực. Hiện đang nhận hồ sơ. Fulbright: Dành cho người đã đi làm với các chương trình đào tạo thạc sĩ các ngành khoa học xã hội, dạy tiếng Việt ở Mỹ, nghiên cứu hoặc giảng dạy ngắn hạn ở Mỹ. Mỗi chương trình sẽ có các thời hạn nhận hồ sơ khác nhau. |
Nguồn: Thanh Niên Online