Du học Đức đang dần trở nên phổ biến với nhiều bạn trẻ Việt Nam. Trước nhiều nguồn thông tin về các chính sách du học Đức, du học sinh có nhiều cơ hội để tiếp cận với thông tin nhanh hơn nhưng lại không tránh khỏi sự hỗn loạn về các nguồn thông tin không chắc chắn, thiếu chính xác. Hà Phương IED sẽ tổng hợp một số điều cơ bản của chương trình du học Đức mà các du học sinh cần biết.
- Hệ thống giáo dục bao gồm nhiều loại hình trường Đại học
Khá khác biệt so với hệ thống giáo dục Việt Nam, các trường đại học tại Đức được chia thành 3 loại hình khác nhau bao gồm:
- Đại học (Universities – Universitäten)
Universitäten – còn được gọi là dạng Đại học Tổng hợp – là những cơ sở đào tạo đại học cung cấp chương trình học thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy của Universitäten thường tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy – một phương thức khá truyền thống. Thế mạnh khi tham gia học tập tại một trường Đại học Tổng hợp là bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn về chuyên ngành, đặc biệt đối với những sinh viên có dự định tiếp tục mở rộng kiến thức lên bậc Cao học thì Universität sẽ là ngôi trường thích hợp cho bạn.
- Đại học Khoa học Ứng dụng (Universities of Applied Sciences – Fachhochschulen)
Nếu bạn đang nhắm tới một số lĩnh vực tiêu biểu của Đức như CNTT (IT), Công nghệ, Khoa học Tự nhiên và Ứng dụng hay cả những ngành phổ biến khác như Nghiên cứu Kinh doanh, Hoạt động Xã hội, Giáo dục, Điều dưỡng, thì ngoài hệ thống Universitäten, bạn nên cân nhắc thêm việc theo học tại các trường Fachhochschulen. Các trường Đại học Khoa học Ứng dụng thường tập trung nhiều vào thực hành và ứng dụng trong quá trình học tập, vì vậy sinh viên có thêm cơ hội được quan sát thực tế, thực tập hay thực hiện đề tài tại các doanh nghiệp cũng như các phòng ban, chuyên môn. Ngoài ra, hiện nay sinh viên cũng đang dần có xu hướng lựa chọn Fachhochschulen nhiều hơn trước bởi đây sẽ là cơ hội tốt để bạn tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay trong quá trình học, các tập đoàn sẽ đánh giá yếu tố này khá cao trong quá trình tuyển dụng.
- Đại học Nghệ thuật, Âm nhạc và Điện ảnh (Kunst-und Musikhochschulen)
Các trường đại học giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật thường đề cao phương pháp sáng tạo trong học tập và nghiên cứu. Yếu tố cá nhân của mỗi sinh viên cũng được đặt lên khá cao để tạo ra môi trường sáng tạo. Tuy nhiên, hình thức thi tuyển của các trường Đại học Nghệ thuật cũng khác so với các loại hình đào tạo còn lại, sinh viên có thể sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra năng khiếu trong lĩnh vực ứng tuyển để được nhận vào trường. Những môn học ở đây sẽ bao gồm mọi loại hình nghệ thuật từ mỹ thuật, thiết kế thời trang, điện ảnh, nhạc cụ đến thiết kế đồ họa.
2. Bằng tốt nghiệp THPT của bạn KHÔNG đáp ứng đủ điều kiện ứng tuyển Đại học ở Đức
Hệ thống giáo dục Việt Nam chưa hoàn toàn được Đức thừa nhận, vì vậy bằng cấp do Bộ Giáo dục Việt Nam cấp cho HSSV cũng gần như không có hiệu lực tại Đức. Để đăng ký vào một trường Đại học tại Đức, thẩm tra APS là điều kiện bắt buộc để xác thực các loại bằng cấp, chứng chỉ. APS là bộ phận Kiểm tra học vấn (Akademische Prüfstelle – APS), thuộc Phòng lãnh sự và thị thực Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Để kịp chuẩn bị hồ sơ xin học cho học kỳ mùa hè, sinh viên phải nộp hồ sơ APS chậm nhất là trong tháng 9 năm trước và trong tháng 3 cho học kỳ mùa đông.
3. Chương trình Cử nhân giảng dạy bằng tiếng Anh
Mặc dù hiện nay đa phần sinh viên Việt Nam du học Đức với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thường là bậc học Thạc sỹ. Nhưng thực tế, một số trường đại học vẫn có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cho bậc Cử nhân. Tuy nhiên bởi số lượng những khóa học này không nhiều nên sự lựa chọn của bạn cũng sẽ hạn chế phần nào, bên cạnh đó bạn cũng nên có một vốn tiếng Đức nhất định để giao tiếp thuận lợi trong quá trình sống tại đây. Thông tin về các khóa học này có thể tìm thấy tại một số trang web cung cấp thông tin tương đối tổng thể do các cơ quan của Đức quản lý như Study in Germany hay DAAD.
4. Đa phần trường đại học công lập không thu học phí cho chương trình Cử nhân
Mặc dù một số bang tại Đức đang đề xuất thu học phí tại các trường Đại học công lập nhưng tới nay mới chỉ có bang Baden-Württemberg thực sự tiến hành quy định này. Tuy nhiên, sinh viên vẫn phải trả một khoản phí sinh viên tùy thuộc vào từng trường, phí học kỳ thường dao động 113-281 USD tùy theo từng trường, theo trang web Study in Germany. Lưu ý rằng các trường tư nhân vẫn thường thu học phí cho các chương trình đại học.
5. Một số chi phí cho năm học
Bên cạnh việc được miễn học phí, bạn vẫn sẽ cần nộp một số khoản phí khác cho từng năm học. Những chi phí này bao gồm phí sinh viên, phí mua bảo hiểm,…
Phí sinh viên (nộp một lần mỗi kỳ) ~ 50-100 EUR.
Phí học liệu và hoạt động ngoại khóa ~ 50-70 EUR/tháng.
Phí bảo hiểm hàng tháng: 80-160 EUR
Học phí (nếu có) ~ 2000-10000 EUR/năm.
Thực tế, ngoài những chi phí cố định như bảo hiểm, phí sinh viên thì chi phí mà bạn cần dành ra cho việc mua sách vở, tài liệu học tập có thể điều chỉnh nhiều hay ít, phụ thuộc vào ngành học của bạn. Ví dụ, đối với các ngành thuộc Xã học Nhân văn, sinh viên thường chỉ cần bỏ ra một khoản tiền dành cho những loại sách mà bạn thường xuyên phải sử dụng cho bài giảng trên lớp.
Thậm chí bạn có thể hạn chế số sách cần mua bằng cách tận dụng nguồn thông tin quý giá tại thư viện trường. Tại Đức, hệ thống thư viện trường thường được đầu tư rất tốt, các đầu sách cũng rất dồi dào vì vậy đa phần những tài liệu quan trọng mà bạn được yêu cầu đọc thêm cũng sẽ có tại thư viện. Không những thế, các trường cũng thường xuyên xây dựng hệ thống học tập trực tuyến cho sinh viên mà qua đó, bạn có thể tìm thấy tài liệu qua thư viện online bao gồm e-book, e-journal,…
Một cách khác để giảm thiểu chi phí là mua lại sách cũ với giá hợp lí hơn. Rất nhiều sinh viên trong trường sẽ để lại sách cũ cho các sinh viên khóa sau hoặc bán lại với giá khá rẻ, những thông tin rao bán này thường xuất hiện tại bảng tin của khoa. Ngoài ra, cửa hàng sách cũ cũng là một địa điểm lý tưởng để bản tìm thấy đủ các đầu sách với giá phải chăng hơn.
Trung bình, sinh viên thường bỏ ra một khoản tiền khoảng 200 EUR mỗi kỳ dành riêng cho sách và tài liệu học. Những chuyên ngành Nghệ thuật và Y dược thường yêu cầu sinh viên phải chi trả rất nhiều cho mục này, rơi vào khoảng 50 EUR/tháng.
6. Sinh viên quốc tế được phép làm thêm ngay trong quá trình học
Sinh viên ngoài khối EU có thời gian làm việc hạn chế là 120 ngày toàn thời gian hoặc 240 ngày bán thời gian mỗi năm. Nhưng riêng với trường hợp sinh viên làm công việc trợ lý nghiên cứu tại các trường đại học lại không hề phải đối mặt với hạn chế về giờ làm. Khác với một số nước chỉ cho phép sinh viên làm việc vào các kỳ nghỉ, Đức hoàn toàn cho phép bạn làm việc ngay trong quá trình học. Tuy vậy, bạn vẫn cần tự cân đối thời gian hợp lý để đảm bảo việc học bởi chương trình học tại Đức cũng không hề dễ dàng mà cần có sự đầu tư thời gian và luyện tập