SỰ KHÁC BIỆT TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC MỸ

Du học tại Mỹ là điều mà rất nhiều bạn trẻ mơ ước. Tuy nhiên khi chuẩn bị cho việc du học tại đất nước này bạn phải chuẩn bị tinh thần cho rất nhiều những khác biệt trong giáo dục tại Mỹ và Việt Nam cũng  như các nước khác, từ những khác biệt trong hệ thống giáo dục của nước này đến cách thức và luật định trong những khóa học mà bạn tham gia. 

Cấu trúc chương trình học

Tùy thuộc vào chương trình học mà bạn đăng ký sẽ có những cấu trúc khóa học khác nhau. Tuy nhiên trên chúng đều được thiết kế trên 1 nền tảng cấu trúc chung của các chương trình giáo dục tại Mỹ. Đối với những chương trình ban đầu trong bậc học cử nhân, một số yếu tố sau sẽ quyết định điểm số của sinh viên. Đầu tiên là hai kỳ thi giữa và cuối kỳ. Bạn cũng phải chú ý rằng trong suốt kỳ học bạn sẽ nhận được rất nhiều các bài tập nhóm, tiểu luận hay các bài kiểm tra nhỏ rải rác. Những bài kiểm tra hay bài tập nhóm có thể chỉ chiếm những phần trăm nhỏ trong tổng số điểm (thông thường những bài kiểm tra chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số điểm) nhưng tổng số điểm của tất cả các bài tập này trong suốt kỳ học có thể chiếm một phần điểm không nhỏ. Điểm danh cũng là một phần quan trong trong quá trình học, thông thường nó sẽ chiếm khoảng 10% trong tổng số điểm. Chỉ cần đi học chăm chỉ và đều đặn bạn đã có được 10% điểm. Và những môn học về sau, cấu trúc của các môn học cũng như chương trình học sẽ trở nên khó khăn hơn.   

Đạo văn (Plagiarism)

Có thể ở Việt Nam học sinh và sinh viên đã quá quen thuộc với việc “đạo văn”, tuy nhiên khi học tập tại Mỹ (và một số nước khác như Anh, Úc..)  các sinh viên sẽ không bao giờ mong muốn bị cho là thiếu trung thực trong học tập. Sinh viên sẽ phải đối mặt với những hình phạt rất nặng cho những hành động “ăn cắp” ý tưởng hay lấy những những nghiên cứu của người khác mà không ghi rõ nguồn gốc thông tin (citation), tùy theo mức độ của việc “đạo văn” mà các hình thức phạt khác nhau, thậm chí bạn sẽ có thể bị đuổi khỏi trường học. Các trường đại học thường sử dụng những phầm mền như Turnitin để kiểm tra các bài tiểu luận, nghiên cứu... của sinh viên. Theo đó, nếu sinh viên sử dụng các tài liệu nghiên cứu của người khác thì sẽ bị phần mềm này phát hiện. Tuy nhiên để tránh những trường hợp do vô tình trùng lặp những câu chữ hoặc khi sinh viên sử dụng những thông tin từ những nghiên cứu khác như một tài liệu trong bài của mình phần mềm này cũng đã đưa ra một chương trình có tên là WriteCheck. Sinh viên có thể đăng tải bài của mình lên trang này trước khi nộp bài chính thức lên Turnitin để kiểm tra những dữ liệu lấy từ nghiên cứu khác có bị liệt vào diện “đạo văn” hay không và có những chỉnh sửa kịp thời. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc trong quá trình làm bài thì tốt nhất nên hỏi các giảng viên của mình.

Điểm số: 

Thường các hệ thống thang điểm tại các quốc gia là khác nhau. Trong khi tại Việt Nam các chương trình học chấm trên thang điểm 10 thì tại Mỹ điểm cao nhất là điểm A. Mỹ cũng có sự khác biệt trong phân loại thang điểm. Ví dụ dưới đây là phân loại thang điểm của trường đại học Washington:

Hạng A : điểm từ 3,9-4,0

Hạng A- : điểm từ 3,5-3,8

Hạng B+: điểm từ 3,2- 3,4

Hạng B: điểm từ 2,9- 3,1

Hạng B- : điểm từ 2,5-2,8

Hạng C+: điểm từ 2,2- 2,4

Hạng C: điểm từ 1,9- 2,1

Hạng C- : điểm từ 1,5- 1,8

Hạng D+: điểm từ 1,2-1,4

Hạng D: điểm từ 1,1- 1,9

Hạng D- : điểm từ 0,7- 0,8 (thang điểm thấp nhất nhưng vẫn lấy được tín chỉ của môn học)

Hạng F: điểm từ 0,0 (không lấy được tín chỉ của môn học)

Ngoài ra còn một số hình thức xếp hạng khác trong thang điểm tại Mỹ như:

I = chưa hoàn thành (Incomplete)
S = Đạt (Satisfactory )
NS = không đạt (Not satisfactory)
CR = Nhận được tín chỉ (Credit Awarded)
NC =  Không nhận được tín chỉ (No Credit Awarded )
W = Rút khỏi hóa học do có lý do về chuyên môn ( Withdrawal)
HW = Rút khỏi khóa học do có lý do đặc biệt (Hardship withdrawal)

Và điểm số trung bình qua các môn học (tương tự như ví dụ bên trên của trường đại học Washington) thường được dùng để đánh giá lực học của sinh viên. Với những điểm số trung bình tầm 1.0 được coi là rất thấp (ở Việt nam có thế hiểu là mức dưới trung bình) và điểm số trung bình từ 3.5 trở lên là điểm khá giỏi. Tùy từng trường đại học sẽ có những khác biệt tuy nhiên đây là đây là cách tính điểm thông thường của các trường tại Mỹ. 

Điểm các môn học thành phần thấp sẽ dẫn đến điểm trung bình GPA của kỳ học thấp. Và các sinh viên sẽ phải cố gắng trong những môn học của kỳ sau để có điểm trung bình GPA toàn khóa học tốt. Nhưng các bạn đừng quên những môn học của các kỳ đầu sẽ dễ hơn các kỳ về sau vì thế bạn nên cố gắng có được những điểm số cao ở những kỳ đầu để có cơ hội chắc chắn về điểm số trung bình GPA cao.